Nghề làm gốm sứ Thủ_công_nghiệp_Đại_Việt_thời_Mạc

Đây là nghề tiêu biểu nhất và phát triển thịnh đạt nhất thời Mạc, trong đó nổi tiếng nhất là các làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Hợp Lễ (Bình Giang, Hải Dương) và Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương).

Thời Mạc được coi là giai đoạn phát triển đỉnh cao của làng gốm sứ Bát Tràng. Sản phẩm đa dạng gồm: đĩa, chậu âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình lọ, chóe và đồ thờ (chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ...). Trên đỉnh được trang trí rồng, phượng, ngựa, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, mây cụm. Nhiều sản phẩm có tên nghệ nhân ghi phía dưới chân.

Chu Đậu là thôn ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). Di tích đào được ở Chu Đậu gồm sản phẩm các loại: chén, bát, chim, cá, côn trùng. Dưới đáy sản phẩm Chu Đậu thường viết chữ Hán, phổ biến nhất là chữ Phúc, Chính, Hoa, Trung, Sĩ… Màu men phổ biến của gốm sứ Chu Đậu là trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng nhạt, vàng đậm. Hoa văn trang trí chủ đạo là hoa senhoa cúc.

Hợp Lễ là thôn thuộc xã Long Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương). Di chỉ gốm sứ Hợp Lễ chủ yếu ở bến đò Đáy, một nhánh của sông Kẻ Sặt. Sản phẩm chính của Hợp Lễ là đồ gia dụng: bát, đĩa, bình vôi, vò nhỏ, chân đèn, lư hương… với 3 dòng gốm chủ yếu: màu xanh ngọc, men trắng và hoa lam. Nền sản xuất gốm sứ ở đây còn phát triển sau thời Mạc, tới thế kỷ 18 thì chấm dứt[4].